Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

Khởi công xây dựng công trình đường Phong Châu - TP. Nha Trang - tỉnh Khánh Hòa


Sáng ngày 05/9/2014, tại Thành phố Nha Trang, Ban Quản lý Dự án các công trình Giao thông và Thủy lợi Khánh Hòa đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng dự án đường Phong Châu, Thành phố Nha Trang.
Tới dự có đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, đại diện các sở ban ngành, và chính quyền địa phương -nơi có công trình dự án đi qua, đã đến dự.

Lễ khởi công xây dựng đường Phong Châu

Dự án đường Phong Châu, Thành phố Nha Trang do Ban Quản lý dự án các công trình Giao thông và Thủy lợi tỉnh Khánh Hòa làm Chủ đầu tư, thuộc danh mục công trình, dự án trọng điểm giai đoạn 2012-2015 theo Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 23/3/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và là công trình mang tính cấp bách để cứu nạn, cứu hộ vũng lũ tại khu vực phía Tây Thành phố Nha Trang khi có mưa lũ xảy ra. Đây là một trong những dự án quan trọng mang tính động lực khởi đầu để thực hiện các dự án tại Khu quy hoạch đô thị - công viên - trung tâm hành chính mới của tỉnh Khánh Hòa và các dự án khu đô thị mới đa chức năng tại khu vực phía Tây - Thành phố Nha Trang, tạo quỹ đất phục vụ chỉnh trang đô thị thành phố, góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt.
Trong khi dự án đường Phong Châu còn chưa được triển khai thì dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP.Nha Trang sử dụng vốn ODA của ngân hàng Thế giới (WB) đã được tiến hành. Hệ thống thoát nước của dự án này lắp đặt trên tuyến đường Phong Châu theo cốt đã được quy hoạch, tạo sự chênh lệch cốt giữa hệ thống thoát nước và mặt đường Phong Châu hiện trong khoảng 1,5m. Điều này đã làm ảnh hưởng và gây nguy hiểm cho người dân tham gia lưu thông cũng như sinh sống trên tuyến đường Phong Châu.
Do tính cấp bách của dự án và cần phải khắc phục ngay những nguy hiểm nêu trên, sau khi Văn phòng chính phủ đã có công văn số 4922/VPCP - KTN ngày 03/7/2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt và triển khai xây dựng công trình đường Phong Châu. Công trình có chiều dài toàn tuyến hơn 1.557,5m (chưa kể cầu), lòng đường rộng 12m, vỉa hè mỗi bên 4m, tốc độ thiết kế 60km/giờ. Tuyến đường đi qua 2 cầu gồm: Sông Tắc (dài 135,9m) và sông Quán Trường (dài 338,4m).

Đơn vị trúng thầu dự án là Liên danh Công ty CP Đầu tư và xây dựng cầu đường số 18.6 (LICOGI-18.6) - Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn - Công ty CP Đầu tư và xây dựng số 18 (LICOGI-18) với tổng giá trị trúng thầu là 532.603.503.000 đồng, dự kiến thời gian thi công công trình là 2 năm.

Đ/c Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ khởi công, đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói: "Dự án đường Phong Châu là dự án quan trọng đôt phá trong việc thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án liền kề, tạo điều kiện phát triển TP.Nha Trang, là động lực thúc đẩy đô thị phát triển, hình thành các khu dân cư và các đô thị mới, góp phần cải thiện cảnh quan, tạo môi trường tốt và nâng cao điều kiện sống cho người dân phía Tây TP.Nha Trang". Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng nhấn mạnh thêm: "Dự án được khởi công xây dựng ngày hôm nay đáp ứng nguyện vọng của nhân dân TP.Nha Trang, là kết quả phấn đấu nỗ lực của BQLDA các công trình giao thông và thủy lợi Khánh Hòa. Đó còn là sự phối hợp giữa các ban ngành, các xã, phường có công trình đi qua trong việc giải phóng mặt bằng và ổn định cuộc sống mới. Dự án đã nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ, dưới sự lãnh đạo sâu sát của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa.
Thay mặt Liên danh nhà thầu, đồng chí Bùi Thanh Tuyên - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng cầu đường số 18.6 (LICOGI-18.6) cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ dự án, đảm bảo chất lượng thi công đúng tiêu chuẩn và kĩ thuật đã đặt ra.

Khánh Hòa: Đầu tư xây dựng 7 cụm công nghiệp

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết sẽ tập trung đầu tư 7/11 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 7 cụm công nghiệp được tập trung đầu tư là: Diên Phú, Đắc Lộc, Sông Cầu, Tân Lập, Diên Thọ, Khatoco - Trảng É 1, 2, 3 và Chăn nuôi Khatoco.

Cụ thể: Cho điều chỉnh quy hoạch 1/2000, đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo phương án tối ưu đối với đối CCN Đắc Lộc; Giao CCN Tân Lập, cho UBND huyện Cam Lâm làm chủ đầu tư; Giao CCN Diên Thọ cho UBND huyện Diên Khánh làm chủ đầu tư.
4 CCN còn lại là Ninh Xuân, Dốc Đá Trắng, Sơn Bình, Cam Thành Nam tạm thời chưa tiến hành các thủ tục đầu tư.
Ngoài 11 cụm được quy hoạch đầu tư phát triển, hiện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 4 khu công nghiệp gồm: Suối Dầu, Ninh Thủy, Nam Cam Ranh và Vạn Thắng.

Khởi công xây dựng Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại tại Khánh Hòa


Sáng ngày 26/8/2014, lễ khởi công xây dựng Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại đã diễn ra tại Khu du lịch Bảo Đại, phường Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại có quy mô gần 9 ha với các hạng mục chính: khách sạn tiêu chuẩn 5 sao với 108 phòng, nhà hàng, trung tâm hội thảo, khu biệt thự trùng tu và cải tạo, bến du thuyền 50 chỗ. Tổng mức đầu tư của dự án là 478 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2014 và dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2017. Dự án do Tập đoàn Hà Đô (Hado Group) liên danh với Tổng Công ty Khánh Việt làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Đầu tư Khánh Hà, đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty TNHH DWP (Úc).


















Khánh Hòa: Khởi công xây dựng bến du thuyền đầu tiên tại Việt Nam

Sáng ngày 7/7/2014, tại TP. Nha Trang đã diễn ra Lễ khởi công xây dựng Công viên Bến du thuyền quốc tế - Ana Marina.



Đây là bến du thuyền đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam do Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trọng điểm (còn gọi là Công ty Focus Travel) làm chủ đầu tư. Liên doanh giữa chuyên gia thiết kế bến du thuyền Nejat Atay và Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Xây dựng miền Trung làm đơn vị thiết kế. Bến du thuyền có quy mô 89,3 ha nằm dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng và phần mặt nước vịnh Nha Trang thuộc phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang. Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến 388 tỷ đồng. Việc xây dựng bến du thuyền chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 diễn ra trong 12 tháng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015; giai đoạn 2 hoàn thành vào giữa đến cuối năm 2016.
Phát biểu tại buổi lễ ông Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Công viên Bến du thuyền quốc tế là một sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần vào việc phát triển du lịch đường biển. Ông mong muốn trong thời gian tới, chủ đầu tư dự án sẽ phối hợp tốt với đơn vị thiết kế, đơn vị thi công để Công viên Bến du thuyền quốc tế sớm hoàn thành và đi vào hoạt động; đảm bảo an toàn, giữ vệ sinh môi trường trong quá trình thi công; đề nghị các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh tạo điều kiện để đơn vị đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ…/.

XÂY DỰNG THÊM CÁC KHU DỰ TRỮ THIÊN NHIÊN - BẢO TỒN LOÀI VÀ SINH CẢNH


Viện Sinh thái học miền Nam vừa hoàn tất việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học rừng cho tỉnh Khánh Hòa. Trước việc nhiều loài động thực vật được ghi nhận mới cho Khánh Hòa đã là cơ sở để các nhà khoa học kiến nghị: cần thiết bổ sung thêm Khu dự trữ thiên nhiên - bảo tồn loài và sinh cảnh tại Khánh Hòa.

Nhiệm vụ “Xây dựng cơ sở dữ liệu Đa dạng sinh học rừng tinh Khánh Hòa” do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ trì, Viện Sinh thái học miền Nam (TP.HCM) là đơn vị thực hiện phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa. Nhiệm vụ này hướng đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học động, thực vật rừng cho Khánh Hòa nhằm phục vụ công tác bảo tồn, phát triển và khai thác có hiệu quả, bền vững. 

Trong thời gian 2 năm từ 2012 đến 2013, nhóm điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học rừng Khánh Hòa đã điều tra, sưu tập và tổng hợp được 2.442 loài động thực vật; trong đó đã trực tiếp thu thập 1.100 mẫu vật và đã định loại được trên 700 loài.

Đáng chú ý là trong đó, số loài động thực vật được ghi nhận mới có khoảng trên 100 loài, cụ thể 23% ở Hòn Hèo, 30% ở Hòn Bà, 26% ở Giang Ly, còn lại rải rác ở các điểm rừng khác trong tỉnh. Song theo các nhà khoa học Viện Sinh thái học Miền Nam, đây chưa phải là con số cuối cùng, bởi còn đến 40% diện tích rừng Khánh Hòa chưa được khảo sát, khám phá . 

Tiến sĩ Hoàng Minh Đức –Viện Sinh thái học miền Nam cho biết: “Với sự đa dạng về sinh cảnh cũng như diện tích rừng còn hơn 40% thì sẽ còn nhiều khám phá thú vị nếu chúng ta tiếp tục nghiên cứu đa dạng sinh học ở đây. Còn nhiều loài chưa phát hiện ra, còn nhiều loài chưa được biết tới. Trong đợt nghiên cứu này, chúng tôi cũng phát hiện ra loài ếch vuông và các nghiên cứu về ADN cho thấy nó hoàn toàn khác biệt. Chúng tôi đang hợp tác với quốc tế để mô tả loài mới này”.


Trong quá khứ, các nghiên cứu về đa dạng sinh học ở Khánh Hòa chủ yếu là do các nhà khoa học Pháp như Poilane, Krempf, Yersin, Jacques Desíre Leandri thực hiện. Sau này có thêm các khảo sát của một số nhà khoa học Việt Nam, tuy nhiên do giai đoạn đó chưa có công nghệ hiện đại nên các nhà khoa học Pháp cũng như Việt Nam chưa xác định được nhiều tiêu mẫu. Đến nay nhờ có công nghệ hiện đại hỗ trợ, nên nhóm các nhà khoa học Viện Sinh thái học miền Nam đã phát hiện thêm, nâng tổng số loài động thực vật có tại Khánh Hòa tăng 15% so với trước 

Tuy nhiên, hiện tại ở Khánh Hòa mới chỉ có một Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà với diện tích 19.000 ha, chiếm gần 8% diện tích đất lâm nghiệp. Rõ ràng con số này chưa phù hợp với tiềm năng đa dạng sinh học rừng ở Khánh Hòa và khó có thể thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên rừng. Với tiềm năng có nhiều thành phần loài động thực vật, nên chăng Khánh Hòa cần bổ sung thêm các khu bảo tồn bằng cách xây dựng mới một Khu dự trữ thiên nhiên tại Sơn Thái -Giang Ly, Khánh Vĩnh và một Khu bảo tồn loài sinh cảnh tại Hòn Hèo -Ninh Vân, Ninh Hòa. 

Sự ra đời các khu bảo tồn mới sẽ là nền tảng để chính quyền địa phương đánh giá hiện trạng và theo dõi đa dạng sinh học biến động theo thời gian, nhất là trong hoàn cảnh có sự biến động về đa dạng sinh học trước sự tác động mạnh mẽ của con người và biến đổi khí hậu.


Kỹ sư Trần Giỏi –Chi cục Lâm Nghiệp Khánh Hòa cho biết: “Vấn đề mà chúng tôi thấy cần ưu tiên cho kế hoạch bảo tồn cho thời gian sắp tới: thứ nhất nói về vấn đề sinh cảnh thì sinh cảnh cần phải ưu tiên cho công tác bảo tồn có hệ thống, đó là rừng ngập mặn, rừng ngập mặn của tỉnh Khánh Hòa đã bị hủy hoại rất nhiều. Sắp tới những chương trình nhằm bảo tồn, khôi phục và phát triển rừng ngập mặn thì đó là ưu tiên hàng đầu. Thứ hai là đối với những loại sinh vật cảnh ở vùng núi đặc biệt là loài gỗ quý hiếm, ví dụ như là bách xanh hoặc pơ mu, thì cũng cần có những chương trình bảo tồn hoặc phục hồi những loài cây này tại Khánh Hòa. Về mục tiêu ưu tiên chúng tôi nghĩ trong thời gian tới cần quy hoạch lại rừng đặc dụng cho tỉnh Khánh Hòa, vì nó có tiềm năng đa dạng sinh học rất cao, ví dụ như khu vực sinh thái Giang Ly giáp với núi Bi Đúp- Lâm Đồng, thành ra khu vực này cần nhanh chóng xúc tiến đưa vào khu bảo tồn, nữa là khu Hòn Hèo cũng là nơi có đa dạng sinh học cao, hướng tới nơi đây cũng nên thành lập khu bảo tồn loài sinh cảnh cho Khánh Hòa”.

Với kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học vừa qua của các nhà khoa học Viện Sinh thái học miền Nam đã cho thấy Khánh Hòa có sự đa dạng sinh học rất cao với nhiều thành phần đặc hữu và quý hiếm. Nhưng các loài thực vật quý hiếm này đang bị đe dọa và có nguy cơ sẽ biến mất. Để các loài tồn tại, góp phần phục vụ lâu dài cho cuộc sống của con người, Khánh Hòa đang cần được xây dựng thêm hai Khu bảo tồn và cũng đang cần một cơ chế quản lý, bảo vệ chặt chẽ với sự quan tâm hỗ trợ của toàn xã hội./.

Khánh Hòa: Singapore đầu tư 316 tỷ xây trường Đại học quốc tế về du lịch

 - UBND tỉnh Khánh Hòa vừa chấp thuận cho CTCP Tư vấn và Đầu tư Pegasus thuộc Tập đoàn Giáo dục Kinder World (Singapore) xây dựng trường Đại học Quốc tế Pegasus để đào tạo và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch và khách sạn.

Ảnh minh họa.
Dự án này có tổng mức đầu tư gần 316 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích hơn 6 ha tại Khu đô thị Mỹ Gia (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang). Quy mô của dự án gồm 2 phân khu giảng dạy, khu ký túc xá và khách sạn thực hành cùng nhiều công trình phụ trợ khác. Dự án được triển khai theo từng giai đoạn, dự kiến hoàn thành trong thời gian 7 năm.
Mục tiêu của dự án là đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành quản trị du lịch và khách sạn; đội ngũ nhân viên phục vụ khách sạn, du lịch chất lượng cao, có khả năng ngoại ngữ và kỹ năng nghề đạt bằng cấp quốc tế.
Được biết, tỉnh Khánh Hòa hiện có hai trường đào tạo nguồn lực cho ngành Du lịch, dịch vụ, gồm Trường Cao đẳng Nghề du lịch Nha Trang và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang. Theo định hướng, nhu cầu lao động trong ngành Du lịch của tỉnh đến năm 2020 là 113.000 người, trong đó lao động trực tiếp là 38.000 người.

Khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma

 - Tổng Liên đoàn Lao động VIệt Nam, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức đặt đá, khởi công, xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma tại Công viên Biển Đông, bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Sáng 13/3, tại Công viên Biển Đông, bán đảo Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà), Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan liên quan đã tổ chức Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma. Đồng thời phát động chương trình nhắn tin đóng góp xây dựng tượng đài và tri ân các chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma
Sáng 13/3, Tổng Liên đoàn Lao động VIệt Nam, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức đặt đá, khởi công, xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma tại Công viên Biển Đông, bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa (Ảnh: Lao Động) 

Theo đó, khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên diện tích rộng 2,5 ha, thuộc bán đảo Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà) nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông; tiếp tục góp phần giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ sau. 


Đặc biệt, Khu tưởng niệm là kết quả tri ân các chiến sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 do quân đội Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam khiến 3 tàu của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam bị bắn cháy và chìm, 3 người hy sinh, 11 người khác bị thương, 70 người bị mất tích. Sau này Trung Quốc đã trao trả cho phía Việt Nam 10 người bị bắt, 64 người vẫn mất tích và được xem là đã hy sinh.


Khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma
Phối cảnh khu Tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma tại Khánh Hòa 

Phát biểu tại sự kiện, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ của người dân và công nhân lao động, cũng như sự quan tâm của các cơ quan chức năng để Khu tưởng niệm tượng đài Gạc Ma được trở thành hiện thực. Góp phần nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo; giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ sau.

Được biết, kinh phí xây dựng tượng đài được đầu tư từ nguồn đóng góp của tổ chức Công đoàn và tất cả công nhân lao động trên cả nước, sau nữa huy động từ các cơ quan, đơn vị và các tấm lòng hảo tâm của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước. 







































UBND TỈNH KHÁNH HÒA HỌP VỀ TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI XÂY DỰNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM NHA TRANG THUỘC DỰ ÁN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHÁNH HÒA


UBND tỉnh Khánh Hòa họp về tiến độ triển khai xây dựng trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang thuộc dự án trường Đại học Khánh Hòa

Ảnh: Trọng Thủy

Công trình trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang do tập đoàn Dewan làm chủ đầu tư tại xã Vĩnh Lương - TP Nha Trang có diện tích trên 96.000 m2, tổng mức đầu tư gần 852 tỷ đồng. Hiện nay, dự án gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân. Tính đến tháng 10/2014, vẫn còn 34/44 trường hợp chưa giải tỏa được. 

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng cần quyết liệt hơn trong công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, chú trọng đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, sinh viên của trường trong việc đi lại, học tập. Theo kế hoạch, trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang sẽ được khởi công xây dựng vào đầu tháng 1/2015 và hoàn thành vào cuối năm 2018./. 

Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma sẽ được xây dựng tại Khánh Hòa

gac ma
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trao bằng khen cho 3 nhóm tác giả đồ án được trưng bày

Sáng 31.12, tại TPHCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin kết quả cuộc thi Phương án thiết kế khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma.

Cuộc thi tuyển thiết kế công trình “Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội và Trung ương Đoàn phối hợp tổ chức đã nhận được 25 tác phẩm. 3 đề án được chọn trưng bày tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM để tham khảo ý kiến người dân.
Hội đồng Giám khảo đã quyết định chọn 2 đề án có tên “Hành trình khát vọng” và “Những người nằm lại phía chân trời” để kết hợp tạo nên một công trình độc đáo, cá tính, có giá trị nghệ thuật và điêu khắc, phù hợp với cảnh quan.
Công trình sẽ được khởi công tại khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, trên diện tích rộng 20.000m2. Kinh phí xây dựng được trích từ nguồn quỹ “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động.
Nhân dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao tặng bằng khen cho 25 tập thể, cá nhân và nhóm tác giả tham gia cuộc thi thiết kế đồ án khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kiến trúc, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, trưởng nhóm tác giả đề án “Hành trình khát vọng” chia sẻ: “Ý tưởng của chúng tôi là muốn gửi gắm những thông điệp của thời đại, những giá trị lịch sử, những ý nghĩa của tình tiết, sự kiện trong quá khứ có giá trị về truyền thống, giáo dục và định hướng cho nhận thức và hành động trong tương lai.
Chúng tôi muốn gửi gắm đến bạn bè thế giới rằng cuộc đấu tranh của Việt Nam còn dài, nhưng phải giữ được hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ, phải tôn trọng công lý, tôn trọng chủ quyền của từng quốc gia, dân tộc”.

Nghiêm cấm xây dựng khách sạn trên 4 đảo Vịnh Nha Trang

UBND tỉnh Khánh Hòa nghiêm cấm xây dựng khách sạn, nhà kiên cố cao tầng... trên 4 đảo Hòn Mun, Hòn Nọc, Hòn Vung và Hòn Cau ở Vịnh Nha Trang.

Nghiêm cấm xây dựng khách sạn trên 4 đảo Vịnh Nha Trang - Ảnh 1

Vịnh Nha Trang (Ảnh Internet).

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quyết định về quy chế quản lý vịnh Nha Trang nhằm thắt chặt việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản này.
Theo quyết định này, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vịnh Nha Trang bao gồm toàn bộ khu vực phía Đông, Đông Nam Hòn Tre, từ Đầm Bấy trở ra Hòn Mun, Hòn Nọc, Hòn Cau và Hòn Vung có giới hạn từ mép nước chân đảo (mức thủy triều thấp nhất) ra phía biển 300m.
UBND tỉnh Khánh Hòa nghiêm cấm xây dựng khách sạn, nhà kiên cố cao tầng, tô, vẽ, xây đắp tượng đài, miếu mạo, nơi thờ cúng và chôn cất trên các đảo Hòn Mun, Hòn Nọc, Hòn Vung và Hòn Cau; xây dựng đền, miếu, mộ chí và viết, vẽ, sơn, điêu khắc tại các đảo còn lại khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Cũng theo quyết định trên, các công trình xây dựng trên các đảo thuộcvịnh Nha Trang phải có kiến trúc phù hợp với thiên nhiên và phải có đánh giá về tác động môi trường.
Các tàu, thuyền, cơ sở hoạt động du lịch phải đầu tư trang thiết bị để thu gom, xử lý chất thải và ứng phó với sự cố môi trường có thể xảy ra.
Đồng thời, nghiêm cấm việc xả rác thải, bùn đất, các chất thải nguy hại khác xuống vịnh Nha Trang; các hành vi xâm hại các hệ sinh thái như bãi san hô, rừng ngập mặn, bãi triều, cỏ biển, hệ sinh thái đáy, hệ sinh thái rừng trên các đảo, xâm hại bãi rùa đẻ, khai thác rùa biển, trứng rùa biển và các loài thủy sản quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam trên vịnh Nha Trang.
Bên cạnh đó, nghiêm cấm các hành vi săn bắt, khai thác các loài động vật, thực vật trên các đảo, núi, hang động; chặt cây, khai thác tài nguyên đá, cát... gây ảnh hưởng đến danh lam thắng cảnh trên vịnh.

KHÁNH HÒA PHẤN ĐẤU XÂY DỰNG MÔ HÌNH KHÔNG KHÓI THUỐC TRÊN TOÀN TỈNH

Báo cáo mới đây của Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, giai đoạn 2012 - 2013, Thành phố Nha Trang đã được sự giúp đỡ của Hội Y tế công cộng Việt Nam triển khai mô hình “Thành phố không khói thuốc”, nhờ đó, tỷ lệ hút thuốc và hút thuốc thụ động trên địa bàn thành phố đã có chiều hướng giảm.

Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động tại tỉnh Khánh Hòa đã giảm còn 47,7%
Bằng các hoạt động thiết thực như tăng cường công tác tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp qua bảng hiệu, tờ rơi, đồng thời tổ chức kiểm tra, nhắc nhở và tuyên truyền luật phòng chống tác hại thuốc lá đến các cơ quan, đơn vị, trường học, khách sạn… đến nay, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động tại tỉnh Khánh Hòa đã giảm từ 57% xuống còn 47,7%. Sau thành công này, ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá Khánh Hòa đang xây dựng kế hoạch về mô hình không khói thuốc trên toàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến hết năm 2014 tỉnh Khánh Hòa sẽ đạt được 70% người dân có nhận thức về tác hại của việc hút thuốc lá/hút thuốc thụ động và có biện pháp nhằm thay đổi hành vi với thuốc lá; 70% người dân thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá tại cộng đồng; 80% các ban, ngành, đoàn thể có kế hoạch và triển khai thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá trong cơ quan, đơn vị của mình. 

Trường Đại học Khánh Hòa: Hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Ngày 18-9, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thành lập Trường Đại học (ĐH) Khánh Hòa. Sự ra đời của Trường ĐH Khánh Hòa tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh trên địa bàn, cung ứng nguồn nhân lực cho tỉnh và các địa phương trong khu vực.

Sự cần thiết thành lập trường Đại học Khánh Hòa

Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, Khánh Hòa được Chính phủ xác định sẽ trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - du lịch, khoa học công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Vì vậy, để phát triển các mục tiêu chiến lược thì nguồn nhân lực trong khu vực nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng phải được phát triển tương ứng nhằm tạo ra một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, trong đó có các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch.

Quy hoạch xây dựng chi tiết Trường Đại học Khánh Hòa.
Quy hoạch xây dựng chi tiết Trường Đại học Khánh Hòa.

Theo thống kê, bình quân mỗi năm các tỉnh trong khu vực có hơn 120.000 học sinh sau khi tốt nghiệp THPT cần được đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng (CĐ), ĐH. Riêng tại Khánh Hòa, mỗi năm có hơn 50% học sinh đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh. Điều đó cho thấy học sinh mong muốn được học ĐH, CĐ tại chỗ, tránh việc đi học xa, gây tốn kém cho gia đình. Bên cạnh đó, mỗi năm Khánh Hòa đón tiếp khoảng 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách Nga chiếm khá cao, tuy nhiên số lượng hướng dẫn viên thông thạo tiếng Nga, tiếng Anh chỉ chiếm khoảng 5 - 12%; trình độ quản lý của các doanh nghiệp phục vụ du lịch được đào tạo đúng ngành nghề chỉ chiếm khoảng 58,3%, nhân viên nghiệp vụ chiếm khoảng 46%. “Hiện nay, ngoài Trường ĐH Nha Trang, ĐH Thông tin liên lạc, các trường ĐH khác trên địa bàn tỉnh chủ yếu đào tạo trình độ CĐ, trung cấp nên chưa thể đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao ở các lĩnh vực trên. Chính vì thế, sự ra đời của Trường ĐH Khánh Hòa là vô cùng cần thiết. Từ các yếu tố trên, UBND tỉnh quyết định thành lập Trường ĐH Khánh Hòa trên cơ sở 2 trường: CĐ Sư phạm Nha Trang và CĐ Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang” - ông Lê Tuấn Tứ cho biết.

Đào tạo đa ngành

Trường ĐH Khánh Hòa là trường ĐH công lập, trực thuộc UBND tỉnh. Theo đề án, trường được xây dựng, phát triển dựa trên cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có của 2 trường CĐ nói trên và khu đất tại thôn Vân Đăng, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang với tổng diện tích hơn 31ha. Trước mắt, trụ sở chính của trường sẽ đặt tại Trường CĐ Sư phạm Nha Trang. Sau khi trường được xây mới tại thôn Vân Đăng, trụ sở của trường sẽ chuyển về đây. Cơ sở 2 của trường là Trường CĐ Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang và khu đất ở thôn Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang. Ngoài ra, trường còn có Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm khoa học ứng dụng đặt tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm.

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, đồng thời bảo đảm nguồn tuyển sinh đến năm 2020, Trường ĐH Khánh Hòa sẽ đào tạo bậc ĐH 5 ngành gồm: Quản lý văn hóa, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Nga. Bậc CĐ sẽ tiếp tục đào tạo các ngành thuộc các lĩnh vực: sư phạm, văn hóa, du lịch, nghệ thuật và ngoại ngữ mà 2 trường CĐ trên đã và đang đào tạo. Dự kiến năm học 2015 - 2016, trường sẽ tổ chức tuyển sinh với quy mô đào tạo là 7.000 sinh viên, trong đó bậc ĐH 300 sinh viên. Đến cuối năm 2020, sẽ tăng lên 8.500 sinh viên, bậc ĐH 900 sinh viên. Từ năm 2020 - 2025, khi việc giảng dạy bậc ĐH đi vào nề nếp, đội ngũ cán bộ giảng viên đã được củng cố và bổ sung, nhà trường sẽ mở rộng cơ cấu ngành nghề và nâng quy mô đào tạo lên 9.000 sinh viên/năm, trong đó bậc ĐH 1.200 sinh viên.

Mới đây, trong cuộc họp Ban chỉ đạo thành lập Trường ĐH Khánh Hòa, ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo cho biết, hiện nay tất cả hồ sơ, thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập trường đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến, trong tháng 11, Bộ Giáo dục - Đào tạo và các bộ, ngành liên quan sẽ kiểm tra thực tế tại Khánh Hòa.
Dựa vào nguồn nhân lực hiện có của 2 trường CĐ, năm học 2015 - 2016, số lượng giảng viên của nhà trường là 318 người, trong đó 70% có trình độ thạc sĩ, gần 9% có trình độ tiến sĩ, đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực giảng dạy theo quy định. Đến năm 2019, số lượng giảng viên của trường sẽ tăng lên 340, trong đó, hơn 80% có trình độ thạc sĩ, gần 15% có trình độ tiến sĩ. Ngoài ra, trường đã có kế hoạch mời các cán bộ giảng dạy có trình độ cao ở các viện, trường ĐH trong nước về thỉnh giảng tại trường.

Theo lộ trình xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, hiện nay, trường đã hoàn thành Dự án xây dựng khu ký túc xá dùng chung cho sinh viên các trường ĐH, CĐ của tỉnh ở phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang. Dự án đầu tư xây dựng cơ sở mới của trường tại thôn Vân Đăng sẽ triển khai vào đầu năm 2015 với các hạng mục: khu vực hành chính, công trình học tập và phục vụ học tập, công trình thể dục thể thao, căn tin nhà ăn, ký túc xá... với tổng kinh phí hơn 851 tỷ đồng. Giai đoạn 2017 - 2020, tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị thực hành tại Trường CĐ Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang và cơ sở tại thôn Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc với tổng kinh phí 167 tỷ đồng. Nguồn vốn này được lấy từ vốn đầu tư phát triển của địa phương (chiếm 60%), 30% huy động vốn từ các tổ chức kinh tế - xã hội và các nguồn hợp pháp khác; 10% còn lại từ nguồn học phí và các nguồn thu khác

Bộ Chính trị đồng ý xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương và xây dựng Đặc khu kinh tế - hành chính Bắc Vân Phong

Ngày 24-12-2012, Bộ Chính trị ban hành văn bản số 53-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa xin trích đăng một số nội dung chính:

Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030:
Bộ Chính trị đồng ý chủ trương phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, trong đó thành phố Nha Trang là hạt nhân, là trung tâm kinh tế - du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và của cả nước; có quốc phòng, an ninh vững mạnh, chính trị - xã hội ổn định, vững chắc; có hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.



Thành phố Nha Trang sẽ là trung tâm kinh tế - du lịch, khoa học 
và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển 
kinh tế biển, kinh tế du lịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng 
duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và của cả nước. Ảnh: Văn Thành Châu
.


Để thực hiện phương hướng và mục tiêu nói trên, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển tỉnh theo hướng đô thị hóa với cơ sở hạ tầng văn minh, hiện đại, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và dịch vụ ngang tầm khu vực Đông Nam Á. Quy hoạch và phát triển các đô thị trong tỉnh bảo đảm có đầy đủ và đồng bộ hệ thống giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải, nước thải, không gây ô nhiễm, phát triển bền vững. Chủ động liên kết với các tỉnh lân cận để khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, bảo đảm thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, trong đó tỉnh Khánh Hòa giữ vai trò động lực.

Phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng phát triển của tỉnh, nhất là tiềm năng phát triển du lịch và kinh tế biển; bảo đảm phát triển bền vững, kết hợp giữa phát triển chiều rộng với phát triển chiều sâu. Tập trung huy động các nguồn lực của địa phương và Trung ương để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông (hàng không và hàng hải) nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, mở rộng hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại, đặc biệt là du lịch nghỉ mát, nghỉ dưỡng, xây dựng Nha Trang trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội hài hòa với phát triển kinh tế. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc, giữ gìn và phát huy hiệu quả các công trình văn hóa vật thể và phi vật thể phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, nhất là xây dựng, phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, ngăn chặn và kịp thời làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.

Chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng bộ. Thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy và tổ chức đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng nền tảng chính trị vững chắc cho sự phát triển của tỉnh.

Về các kiến nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa

Bộ Chính trị đồng ý xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương và xây dựng Đặc khu kinh tế - hành chính Bắc Vân Phong. Giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng các bộ, ngành Trung ương cùng tỉnh Khánh Hòa thực hiện một số việc sau:

Khẩn trương xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin và hạ tầng xã hội; quan tâm giải quyết tốt vấn đề môi trường; hình thành các đô thị vệ tinh kết nối với thành phố Nha Trang là đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân, thúc đẩy quá trình đô thị hóa toàn tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại.

Tập trung đầu tư, sớm hoàn thành các dự án quan trọng, then chốt liên quan đến Khánh Hòa được đề cập trong Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16-8-2004 và Kết luận số 25-KL/TW ngày 2-8-2012 và tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh có điều kiện xây dựng Đề án tổng thể về “Đặc khu hành chính - kinh tế” để trình cấp có thẩm quyền thông qua.

Hoàn thiện cơ cấu tổ chức hành chính, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng huyện đảo Trường Sa, phát triển cơ sở cung ứng vật tư, kỹ thuật phục vụ khai thác hải sản xa bờ, đi biển dài ngày; cung ứng đầy đủ các nhu yếu phẩm, y tế, giáo dục, văn hóa phục vụ dân cư trong huyện và ngư dân trên biển; từng bước mở rộng du lịch biển đảo tại Trường Sa và phát triển khu du lịch, điểm du lịch quốc gia tại Trường Sa.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng sớm xem xét, giải quyết các kiến nghị của tỉnh Khánh Hòa để tỉnh có điều kiện phát huy tốt nhất các lợi thế sẵn có, đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra vào năm 2020, cụ thể: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng thực hiện sớm việc chuyển đổi chức năng của các cảng biển tại khu vực thành phố Nha Trang, bảo đảm tại thành phố Nha Trang chỉ có cảng phục vụ tham quan, du lịch. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với tỉnh Khánh Hòa sớm xem xét việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng của tỉnh thành trường đại học đa ngành tại Khánh Hòa theo quy hoạch, bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét bố trí nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án đặc thù, quan trọng của tỉnh nhằm đẩy mạnh quá trình phát triển đô thị hóa tỉnh Khánh Hòa.

Việc tổ chức Đại hội thể thao bãi biển châu Á năm 2016 phải bảo đảm tận dụng các cơ sở có sẵn, việc đầu tư mới cần được tính toán hiệu quả, sử dụng lâu dài sau Đại hội, tránh lãng phí.