Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

XÂY DỰNG THÊM CÁC KHU DỰ TRỮ THIÊN NHIÊN - BẢO TỒN LOÀI VÀ SINH CẢNH


Viện Sinh thái học miền Nam vừa hoàn tất việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học rừng cho tỉnh Khánh Hòa. Trước việc nhiều loài động thực vật được ghi nhận mới cho Khánh Hòa đã là cơ sở để các nhà khoa học kiến nghị: cần thiết bổ sung thêm Khu dự trữ thiên nhiên - bảo tồn loài và sinh cảnh tại Khánh Hòa.

Nhiệm vụ “Xây dựng cơ sở dữ liệu Đa dạng sinh học rừng tinh Khánh Hòa” do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ trì, Viện Sinh thái học miền Nam (TP.HCM) là đơn vị thực hiện phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa. Nhiệm vụ này hướng đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học động, thực vật rừng cho Khánh Hòa nhằm phục vụ công tác bảo tồn, phát triển và khai thác có hiệu quả, bền vững. 

Trong thời gian 2 năm từ 2012 đến 2013, nhóm điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học rừng Khánh Hòa đã điều tra, sưu tập và tổng hợp được 2.442 loài động thực vật; trong đó đã trực tiếp thu thập 1.100 mẫu vật và đã định loại được trên 700 loài.

Đáng chú ý là trong đó, số loài động thực vật được ghi nhận mới có khoảng trên 100 loài, cụ thể 23% ở Hòn Hèo, 30% ở Hòn Bà, 26% ở Giang Ly, còn lại rải rác ở các điểm rừng khác trong tỉnh. Song theo các nhà khoa học Viện Sinh thái học Miền Nam, đây chưa phải là con số cuối cùng, bởi còn đến 40% diện tích rừng Khánh Hòa chưa được khảo sát, khám phá . 

Tiến sĩ Hoàng Minh Đức –Viện Sinh thái học miền Nam cho biết: “Với sự đa dạng về sinh cảnh cũng như diện tích rừng còn hơn 40% thì sẽ còn nhiều khám phá thú vị nếu chúng ta tiếp tục nghiên cứu đa dạng sinh học ở đây. Còn nhiều loài chưa phát hiện ra, còn nhiều loài chưa được biết tới. Trong đợt nghiên cứu này, chúng tôi cũng phát hiện ra loài ếch vuông và các nghiên cứu về ADN cho thấy nó hoàn toàn khác biệt. Chúng tôi đang hợp tác với quốc tế để mô tả loài mới này”.


Trong quá khứ, các nghiên cứu về đa dạng sinh học ở Khánh Hòa chủ yếu là do các nhà khoa học Pháp như Poilane, Krempf, Yersin, Jacques Desíre Leandri thực hiện. Sau này có thêm các khảo sát của một số nhà khoa học Việt Nam, tuy nhiên do giai đoạn đó chưa có công nghệ hiện đại nên các nhà khoa học Pháp cũng như Việt Nam chưa xác định được nhiều tiêu mẫu. Đến nay nhờ có công nghệ hiện đại hỗ trợ, nên nhóm các nhà khoa học Viện Sinh thái học miền Nam đã phát hiện thêm, nâng tổng số loài động thực vật có tại Khánh Hòa tăng 15% so với trước 

Tuy nhiên, hiện tại ở Khánh Hòa mới chỉ có một Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà với diện tích 19.000 ha, chiếm gần 8% diện tích đất lâm nghiệp. Rõ ràng con số này chưa phù hợp với tiềm năng đa dạng sinh học rừng ở Khánh Hòa và khó có thể thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên rừng. Với tiềm năng có nhiều thành phần loài động thực vật, nên chăng Khánh Hòa cần bổ sung thêm các khu bảo tồn bằng cách xây dựng mới một Khu dự trữ thiên nhiên tại Sơn Thái -Giang Ly, Khánh Vĩnh và một Khu bảo tồn loài sinh cảnh tại Hòn Hèo -Ninh Vân, Ninh Hòa. 

Sự ra đời các khu bảo tồn mới sẽ là nền tảng để chính quyền địa phương đánh giá hiện trạng và theo dõi đa dạng sinh học biến động theo thời gian, nhất là trong hoàn cảnh có sự biến động về đa dạng sinh học trước sự tác động mạnh mẽ của con người và biến đổi khí hậu.


Kỹ sư Trần Giỏi –Chi cục Lâm Nghiệp Khánh Hòa cho biết: “Vấn đề mà chúng tôi thấy cần ưu tiên cho kế hoạch bảo tồn cho thời gian sắp tới: thứ nhất nói về vấn đề sinh cảnh thì sinh cảnh cần phải ưu tiên cho công tác bảo tồn có hệ thống, đó là rừng ngập mặn, rừng ngập mặn của tỉnh Khánh Hòa đã bị hủy hoại rất nhiều. Sắp tới những chương trình nhằm bảo tồn, khôi phục và phát triển rừng ngập mặn thì đó là ưu tiên hàng đầu. Thứ hai là đối với những loại sinh vật cảnh ở vùng núi đặc biệt là loài gỗ quý hiếm, ví dụ như là bách xanh hoặc pơ mu, thì cũng cần có những chương trình bảo tồn hoặc phục hồi những loài cây này tại Khánh Hòa. Về mục tiêu ưu tiên chúng tôi nghĩ trong thời gian tới cần quy hoạch lại rừng đặc dụng cho tỉnh Khánh Hòa, vì nó có tiềm năng đa dạng sinh học rất cao, ví dụ như khu vực sinh thái Giang Ly giáp với núi Bi Đúp- Lâm Đồng, thành ra khu vực này cần nhanh chóng xúc tiến đưa vào khu bảo tồn, nữa là khu Hòn Hèo cũng là nơi có đa dạng sinh học cao, hướng tới nơi đây cũng nên thành lập khu bảo tồn loài sinh cảnh cho Khánh Hòa”.

Với kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học vừa qua của các nhà khoa học Viện Sinh thái học miền Nam đã cho thấy Khánh Hòa có sự đa dạng sinh học rất cao với nhiều thành phần đặc hữu và quý hiếm. Nhưng các loài thực vật quý hiếm này đang bị đe dọa và có nguy cơ sẽ biến mất. Để các loài tồn tại, góp phần phục vụ lâu dài cho cuộc sống của con người, Khánh Hòa đang cần được xây dựng thêm hai Khu bảo tồn và cũng đang cần một cơ chế quản lý, bảo vệ chặt chẽ với sự quan tâm hỗ trợ của toàn xã hội./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét